Trong bối cảnh mà sức khỏe được đặt lên hàng đầu như hiện nay, người ta thường tìm đến những biện pháp khác nhau nhằm nâng cao sức khỏe. Một trong những cách để tăng cường sức khỏe đó là chế biến những món ăn nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng của con người. Những món ăn làm từ chân giò có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giàu canxi, sắt và có rất nhiều vitamin. Hoàn toàn phù hợp với những người có nhu cầu bồi bổ sức khỏe. Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn cách làm món chân giò hầm nấm. Đây là món ăn thấy rất nhiều trên các mâm cỗ của người Việt, nó không chỉ có nhiều dinh dưỡng mà còn thu hút bởi hương vị độc đáo và vô cùng hấp dẫn. Không cần nói nhiều thêm, cùng chúng tôi bắt tay vào làm món chân giò hầm nấm ngay sau đây.
Nguyên liệu làm món chân giò hầm nấm
- 550g thịt chân giò
- 20g nấm hương khô
- 30g hạt sen (tươi hay khô đều được)
- 100g nấm rơm hoặc nấm đông cô
- 70g hành khô
- 1 bó rau cải chíp
- 30g bột năng
- 50ml nước tương càng cua hoặc xì dầu maggi
- 20ml nước hàng (nước màu)
- Nước mắm, đường, hạt tiêu xay, nước lọc
- Bánh mì ăn kèm
Cách làm món chân giò hầm nấm
Sơ chế thịt chân giò:
- Thịt chân giò cạo sạch lông, xát muối hạt rồi rửa thật sạch. Ráo nước dùng chỉ buộc kỹ lại để tạo khuôn hình.
- Đun nóng dầu ăn (tầm 2-3 lần, đến khi dầu có màu vàng cam óng), thả miếng thịt chân giò vào chao qua. Mục đích của việc chao qua để miếng thịt có màu vàng ươm đẹp mắt đồng thời phần ngoài của thịt săn lại, không bị vỡ nát trong quá trình hầm. Hoặc khi mua bạn có thể nhờ người bán dùng dụng cụ khò để thui qua thịt, vừa thơm vừa tạo màu.
- Hoặc nếu có điều kiện hơn, bạn có thể sử dụng nồi chiên không dầu để nướng qua thịt chân giò. Bạn cho thịt vào nồi, sét nhiệt độ 200 độ C trong 5 phút, sau đó lật mặt miếng thịt, tiếp tục chiên lần 2 thêm 5 phút nữa là được.
Sơ chế các nguyên liệu khác:
- Hành khô nướng qua, bóc vỏ, rửa sạch.
- Nấm hương ngâm nước hơi ấm, khi nấm nở mềm thì bóp rửa thật sạch rồi cắt bỏ phần cuống. Nếu tai nấm to bạn có thể cắt làm đôi.
- Nấm rửa sạch. Để khử mùi gây ngái của nấm rươi, tốt nhất bạn ngâm trong nước vo gạo. Nếu không có nước vo gạo, có thể ngâm nấm với nước muối loãng khoảng 10 phút. Sau đó rửa lại rồi thái làm 2 hoặc 3 tùy kích thước của nấm.
Hạt sen
- Hạt sen bạn có thể dùng dạng tươi hoặc khô. Có thể thay bằng các loại hạt khác nếu thích. Lưu ý, nếu dùng hạt sen khô thì phải ngâm nước 20-30 phút.
- Theo đó, bạn nên luộc qua hạt sen (kể cả sen tươi và hạt sen khô) để loại bỏ vị chát và nhớt. Sau đó vớt ra rửa sạch lại rồi đem đi ninh trong tầm 20 phút là hạt sen chín mềm. Cho hạt sen ra bát riêng.
Cải chíp:
- Nếu như không thích ăn cải chíp, bạn có thể thay thế cải chíp bằng các loại rau, cải khác. Hoặc có thể hoàn toàn bỏ qua bước này.
- Cải chíp gọt bỏ phần gốc rễ, bổ dọc làm đôi hoặc ba tùy theo búp cải to hay nhỏ. Rồi ngâm rửa sạch sẽ với nước muối.
- Nấu 1 nồi nước, khi nước già sôi cho rau cải chíp vào chần qua ở lửa lớn. Thời gian chần tầm 2 phút, khi thấy dưới đáy nồi nổi bọt phủi lăn tăn lên thì vớt rau ra ngâm ngay vào tô nước đá.
- Việc chần cải chíp ở lửa lớn và ngâm nước đá sẽ giúp rau cải giòn và giữ được màu xanh tươi tắn.
- Sau khi cải chíp nguội, bạn vớt ra rổ để thật ráo nước.
Pha chế phần nước gia vị để làm chân giò hầm
- Cho 50ml nước tương càng cua hoặc xì dầu maggi, 20ml nước hàng, 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng đường, 1-1/2 thìa canh hạt tiêu xay.
- Khuấy đều để hỗn hợp này được quyện vào nhau.
Bắt đầu làm món chân giò hầm nấm
- Cho hành khô vào nồi, xếp thịt rồi rưới hỗn hợp nước tương vừa pha chế vào. Tiếp đến cho nước vào để hầm thịt. Lượng nước thêm vào đủ để ngập miếng thịt là phù hợp.
- Cho nồi thịt lên bếp, ban đầu có thể bật bếp ở nhiệt độ lớn 1 chút để nước sôi, hớt bỏ bọt. Sau đó hạ bớt nhiệt độ xuống, để lửa sôi liu riu. Thời gian hầm thịt chân giò chín mềm tầm 1 tiếng đồng hồ. Trong đó, khi hầm thịt được tầm 40 phút thì cho nấm vào và hầm tiếp 20 phút.
- Xếp cải chíp ra đĩa, có thể trang trí thành cánh hoa cho đẹp mắt (có thể bỏ qua bước này).
- Khi thịt đã chín mềm, múc riêng phần thịt chân giò và nấm ra đĩa trước. Rắc hạt sen lên đĩa.
- Phần nước hầm thịt, bạn nêm lại gia vị vừa ăn. Hòa khoảng 20-30g bột năng với nước lã, sau đó rưới từ từ vào nồi để làm nước sốt. Khi nước sốt sôi trở lại được tầm 2 phút, sánh mịn thì bạn tắt bếp.
- Lúc này bạn rưới nước sốt lên đĩa thịt chân giò. Chú ý rưới thật đều để miếng thịt và cải chíp, nấm cùng hạt sen được phủ đầy nước sốt. Sau đó múc thêm 1 ít nước sốt vào bát nhỏ, thái bánh mì ra đĩa là món ăn đã hoàn thành. Thịt chân giò hầm nấm và hạt sen phải ăn lúc nóng mới ngon. Nếu để nguội thịt sẽ bị dai, khô và nấm thì không còn mùi thơm nữa. Khi ăn, thái thịt ra thành những miếng nhỏ, ăn kèm với bánh mì chấm đẫm nước sốt.
Lưu ý những người không nên ăn chân giò hầm:
- Người bị viêm gan mãn tính: Nếu ăn giò heo thì lượng dinh dưỡng lớn khi vào cơ thể sẽ làm sự rối loạn chất trở nên trầm trọng. Các chất béo không có lợi cho cơ thể sẽ làm bệnh nặng nề hơn.
- Người bị sỏi thận: Việc nạp quá nhiều chất béo vào cơ thể cũng là một nguyên nhân khiến bạn mắc sỏi thận. Trong khi giò heo lại là thực phẩm chứa nhiều chất béo, dinh dưỡng cao. Vì vậy, những người mắc bệnh sỏi thận nếu ăn món ăn này thì bệnh sẽ càng tệ hơn.
- Người thừa cân hoặc béo phì: Việc bổ sung thêm dinh dưỡng, chất béo trong móng giò là điều không cần thiết. Hơn nữa nó sẽ khiến bạn tăng cân nhiều hơn. Thay vì vậy, bạn cần bổ sung thêm rau củ quả, vitamin. Nên hạn chế tối đa những chất béo để giảm cân nặng và đảm bảo sức khỏe của bạn
Trên đây prosynews.com đã chia sẻ rất chi tiết cách làm thịt chân giò hầm nấm ăn kèm với bánh mì. Món ăn này rất thơm ngon và lạ miệng. Chính vì thế bạn hãy lưu vào thực đơn để cuối tuần thực hiện cho cả nhà cùng thưởng thức nhé.